Trong những cán bộ lãnh đạo của Ban QLDA Nhiệt điện 1, không thể không kể đến sự đóng góp của bác Nguyễn Văn Quận – Nguyên Phó Trưởng ban Dự án mà tôi đã có cơ hội được gặp gỡ trò chuyện cùng bác trong những ngày bác về thăm lại cơ quan.
Rời ghế nhà trường đại học, Bác được phân công về nhận công tác trong ngành Điện từ năm 1978 tại Ban quản lý công trình nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1, là cán bộ kỹ thuật và là tổ trưởng chuyên môn. Đến năm 1995 bác là Phó Trưởng phòng Kỹ thuật của Ban QLDA Nhiệt điện Phả Lại 2, từ năm 2003 đến 2006 là Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban QLDA Nhiệt điện 1, chi ủy viên và là chủ tịch công đoàn của Ban. Đến năm 2007 là Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch và là chủ tịch công đoàn của Ban. Từ năm 2007 đến khi nghỉ hưu năm 2013, Bác được giữ chức vụ Phó trưởng Ban QLDA nhiệt điện 1 và là phó bí thư chi bộ của Ban.
Trong 35 năm công tác và cống hiến cho ngành Điện, trải qua nhiều cương vị, vị trí công tác, Bác đã cùng Ban QLDA quản lý xây dựng 6 dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 440MW, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 600MW, làm Tư vấn QLDA cho nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 600 MW, và nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 600 MW. Cuối cùng là Quản lý xây dựng nhà máy nhiệt điện Mông dương 1040 MW. đặc biệt trong thời gian công tác tại Ban QLDA Nhiệt điện 1 nay là Công ty Nhiệt điện Mông Dương, có biết bao kỷ niệm vui buồn mà bác không thể nào quên. Trong cuộc trò chuyện với tôi, bác có chia sẻ “Một kỷ niệm không thể quên trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng Trung tâm nhiệt điện Mông Dương mà Bác được giao nhiệm vụ. Để có mặt bằng xây dựng nhà máy chính Trung tâm nhiệt điện Mông Dương cần hơn 100ha đất, ở đây nhà dân hầu như không có, chủ yếu là đất trồng rừng, có 9 cảng than, các khu vực đầm ao nuôi trồng thủy hải sản và nắn 1 km dòng sông Mông Dương. Công việc đền bù rất khó khăn và phức tạp, 9 cảng than lớn nhỏ được xây dựng dọc theo dòng sông Mông dương, đất trồng rừng và một số mỏ than nhỏ đang được dân khai thác, đặc biệt là các đầm ao nuôi trồng thủy hải sản được dân đào và đắp đến gần 100 cái. Việc thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng rất phức tạp như vậy, nhưng với kinh nghiệm của Ban đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương và hoàn thành cơ bản diện tích mặt bằng của Trung tâm, duy chỉ có khoảng 4ha đầm ao của một hộ dân đã xây dựng trên bãi đầm, sú vẹt ngoài sông khu vực giáp danh với biển, họ đào ao và đắp thành những bờ lớn, dưới ao nuôi cá, tôm, còn trên bờ thì trồng toàn là dừa. Việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng khu vực này đã được Ban đền bù giải phóng mặt bằng thuộc thị xã Cẩm Phả đã thực hiện theo đúng quy định nhưng gia đình này kiên quyết không đồng ý, họ đưa ra nhiều yêu sách không đúng quy định. UBND thị xã Cẩm Phả (hiện nay là thành phố Cẩm Phả) cùng với Ban QLDA đã thương thảo và vận động nhiều lần nhưng không thành công, cuối cùng phải quyết định cưỡng chế”
Tôi hỏi bác chuyện là vậy mà sao bác lại không thể quên được.
Bác nói tiếp: “Ngày đó vào trung tuần tháng 6, trời nắng gắt, Ban phối hợp với chính quyền địa phương là phường Mông Dương, có sự chủ trì của lãnh đạo thị xã Cẩm Phả, thuộc tỉnh Quảng Ninh tổ chức cưỡng chế khu vực này, với lực lượng được huy động khoảng 130 cán bộ, công an, dân phòng và công nhân cùng các thiết bị máy móc được huy động dưới sự chủ trì của đồng chí phó chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả. Khi toàn bộ lực lượng và máy móc đã vào đến vị trí cưỡng chế, thông báo quyết định và tát đầm ao bắt tôm cá để đối chứng với quy định thì hộ dân bị cưỡng chế họ chống đối bằng cách đổ đất lên đường bịt lối vào của đoàn làm nhiệm vụ, lúc này đoàn công tác bị cô lập giữa một bên là sông Mông Dương và bên ngoài là biển không thể ra ngoài được. Buổi trưa hôm đó, cả đoàn phải dùng bữa trưa bằng bánh mì kẹp chả được mua từ ngoài và vận chuyển bằng đường sông vào. Với quyết tâm của đoàn, đã thực hiện tát đầm ao kết quả số lượng hải sản thu được chỉ gồm có 3 con tôm và gần 1 kg cá các loại, ít hơn nhiều so với quy định, buộc chủ nhà phải nhượng bộ mở đường cho đoàn ra ngoài an toàn, kết thúc thành công buổi cưỡng chế”.
Câu truyện cười ra nước mắt đã chứng minh cho sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối kết hợp với các bên của Ban QLDA trong mọi tình huống từ khâu đền bù giải phóng mặt bằng đến các công việc quản lý xây dựng dự án một cách chuyên nghiệp và chuyên sâu, vượt lên trên những khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 được đưa vào vận hành đã cung cấp lên hệ thống điện từ 6 - 7 tỷ kWh điện hằng năm, chiếm 2,98% sản lượng điện sản xuất của Hệ thống điện Việt Nam, góp phần giải quyết được tình trạng thiếu điện của đất nước.
Dù ở vị trí, cương vị nào, bác luôn luôn là người tiên phong, gương mẫu trong việc chỉ đạo cũng như thực hiện công việc. Đối với bác, được sống và làm việc cống hiến cho ngành Điện nói chung và Ban QLDA Nhiệt điện 1 nói riêng luôn là niềm vui, niềm tự hào của bản thân. Dù là Phó Trưởng Ban nhưng bác luôn luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của CBCNV cấp dưới trong Ban, luôn tận tình chỉ bảo hướng dẫn, gần gũi như người cha người anh trong gia đình. Ngoài trách nhiệm hoàn thành tốt công việc nhiệm vụ được giao, còn giúp CBCNV tích lũy thêm kinh nghiệm, tự hoàn thiện bản thân. Bác luôn là nơi anh em CNV tìm đến mỗi khi cần lời khuyên kể cả trong công việc lẫn trong cuộc sống cá nhân. Tôi không may mắn có cơ hội được làm việc cùng bác nhưng khi hỏi về bác trong những câu chuyện với những người đã từng có cơ hội làm việc cùng, không ai không nhắc đến sự thân thiện gần gũi của bác.
Bác Nguyễn Văn Quận tham gia phong trào trồng cây tại Ban QLDA Nhiệt điện 1 khi còn đương nhiệm
Cả tuổi trẻ bác cống hiến cho ngành Điện, đến năm 2013 bác Quận được về nghỉ chế độ theo quy định, dù đã bước sang tuổi 68 nhưng bác vẫn luôn nhiệt tình với công tác của tổ dân phố. Từ ngày nghỉ hưu, bác được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố phường Đại Kim và Trưởng Ban quản trị tòa nhà chung cư. Từ nhiều năm nay, bác luôn là người có uy tín tiêu biểu của tổ. Trong gia đình, bác là người cha, người ông, là tấm gương sáng, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu. Dù ở cương vị nào, bác cũng luôn là một người mẫu mực, gương mẫu để thế hệ trẻ noi theo.
Bác Nguyễn Văn Quận cùng các cán bộ hưu trí đi tham quan tại các công trình phát điện (Người thứ 3 từ trái sang)
Đối với thế hệ trẻ của Công ty Nhiệt điện Mông Dương, những thế hệ tiếp bước các chú các anh bác có đôi điều nhắn nhủ: “Hãy cố gắng học tập, tu dưỡng và tự rèn luyện mình trong công việc để trở thành những cán bộ mẫu mực, góp phần xây dựng ngành điện ngày càng phát triển.”
Bác Nguyễn Văn Quận, cũng như các bậc cha anh đi trước luôn là tấm gương để chúng tôi – thế hệ trẻ nối tiếp noi theo. Xây dựng Công ty Nhiệt điện Mông Dương nói riêng, Tổng Công ty Phát điện 3 cũng như ngành Điện Việt Nam nói chung ngày càng phát triển rực rỡ. “Thắp sáng niềm tin” trên mọi miền Tổ quốc.