Ngày 14 tháng 02 năm 2019 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ khánh thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Tham dự Lễ khánh thành có Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Phạm Minh Chính – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo các Ban của Đảng, Văn phòng Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường và nhiều Bộ ngành Trung ương. Về phía Chính phủ Nhật Bản có Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ngoài ra còn có đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, HĐND và chính quyền các cấp của tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo Tổng Công ty phát điện 3, Ban QLDA Nhiệt điện Thái Bình, Nhà thầu Marubeni Corporation, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, và bà con nhân dân các xã của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư, Tổng Công ty Phát điện 3/ Ban QLDA Nhiệt điện Thái Bình được giao nhiệm vụ quản lý dự án. Công trình được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 22/02/2014. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình có hai tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 600 MW (2x300 MW), là một trong 02 nhà máy của Trung tâm điện lực Thái Bình, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng mức đầu tư của dự án là 26,5 nghìn tỷ VNĐ (tương đương với 1,27 tỷ USD), trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của EVN. Tổng thầu thực hiện dự án là tập đoàn Marubeni Corporation (MC) – Nhật Bản.
Sau thời gian hơn 4 năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả 2 tổ máy của nhà máy đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2018. Dự án được đánh giá đảm bảo chất lượng và tuân thủ tốt các quy định về môi trường… Khi đi vào hoạt động, nhà máy góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng Bằng sông Hồng, qua đó nâng cao mức độ an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.... Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện từ 3,6 đến 3,9 tỷ kWh.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, đây là loại công nghệ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than antracite nội địa. Nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Các thông số về môi trường của Nhà máy được giám sát trực tuyến tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình. Qua thực tế vận hành thời gian vừa qua cho thấy chất lượng khí thải, nước thải qua hệ thống xử lý của nhà máy đưa ra môi trường đều có kết quả tốt hơn các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam. Tro xỉ nhà máy thải ra được sử dụng làm phụ gia xi măng nên đã được tiêu thụ hết, không có tro xỉ tồn dư, môi trường được đảm bảo.
THÔNG TIN CHUNG VỀ DỰ ÁN NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THÁI BÌNH
1. Tên công trình xây dựng: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.
2. Địa điểm xây dựng: xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
3. Nguồn vốn đầu tư xây dựng: Vốn vay Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), theo cơ cấu vốn: 85% vốn vay của JICA và 15% vốn đối ứng của EVN.
4. Tổng mức đầu tư: Khoảng 26.584.599.880.000 VNĐ, tương đương 1.271.990.425 USD (với tỷ giá 1USD = 20.900 VNĐ).
5. Quy mô hạng mục công trình, công trình xây dựng:
- Quy mô: Nhà máy Nhiệt điện đốt than với quy mô 600MW (2x300MW) gồm 2 tổ máy (cấu hình 1 lò hơi + 1 tuabin + 1 máy phát), sử dụng công nghệ Lò hơi đốt than phun với thông số hơi dưới tới hạn (Sub-critical).
- Nhiên liệu: Nhiên liệu chính là than cám 5 từ Quảng Ninh, kết hợp dầu HFO trong quá trình khởi động tổ máy.
- Các hệ thống phụ trợ khác bao gồm: Hệ thống cấp và thải nước làm mát; Hệ thống cung cấp nhiên liệu dầu HFO; Hệ thống cung cấp nhiêu liệu than; Hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP); Hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải bằng sữa đá vôi; Hệ thống vận chuyển tro xỉ; Hệ thống sản xuất Hydro; Hệ thống xử lý nước thô; Hệ thống xử lý nước thải; Hệ thống bơm cấp nước lò hơi; Hệ thống cung cấp khí nén; Hệ thống PCCC,…
6. Danh sách các nhà thầu (tổng thầu xây dựng, nhà thầu chính: khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng):
- Tư vấn lập DAĐT: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1).
- Tư vấn giám sát và phê duyệt thiết kế: Tư vấn chính là Công ty FICHTNER (Đức); Tư vấn phụ là TEPSCO (Nhật Bản) và PECC1.
- Nhà thầu EPC: Tổng thầu Marubeni Corporation (MC) – Nhật Bản.
7. Ngày khởi công và ngày hoàn thành:
- Ngày khởi công : 22/02/2014
- Ngày Hợp đồng có hiệu lực : 15/3/2014
- Tiến độ hoàn thành theo Hợp đồng EPC Dự án NMNĐ Thái Bình:
+ Tổ máy 1 : 43 tháng (14/10/2017).
+ Tổ máy 2 : 49 tháng (14/4/2018).