Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Cơ hội và thách thức

Thứ sáu, 2/8/2019 | 10:40 GMT+7
Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã và đang tuân thủ đúng các quy định của thị trường và luôn tìm ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thị trường điện nhằm đạt được doanh thu và lợi nhuận cao.

Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013, thị trường điện của Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1: (đến hết năm 2014) - tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 (2015-2021) - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 (từ 2021) - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước thí điểm và hoàn chỉnh.

Hình 1: Lộ trình thị trường điện Việt Nam

(Nguồn: Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg)

          Mục đích của việc phê duyệt lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện của Việt Nam được chỉ ra tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 là: (i) từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp cấp cho khách hàng sử dụng điện; (ii) Thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của nhà nước cho ngành điện; (iii) Tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện; (iv) Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao; (v) Đảm bảo phát triển ngành điện bền vững.

Chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khi Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập với thế giới. Việc hình thành các cấp độ của thị trường điện Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung về quản lý công nghiệp điện của các nước trên thế giới và nó mang một đặc trưng riêng của Việt Nam, đó là triển khai từng bước thận trọng tại mỗi một cấp độ bao gồm giai đoạn thí điểm và chính thức.

Ngày 01 tháng 07 năm 2016, Công ty Nhiệt điện Mông Dương chính thức tham gia vào Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) theo quy định của Bộ Công Thương.

Là nhà máy mới nằm ở miền Bắc, khu vực đang có nguy cơ thừa nguồn điện và cũng là khu vực có thời tiết diễn biến phức tạp. Cho nên Công ty luôn phải tìm các phương án để đảm cho các tổ máy của nhà máy được huy động tối ưu trong những điều kiện khó khăn như sự cố đường dây 500 kV làm giảm khả năng truyền tải của lưới, đến việc thời tiết nắng nóng kéo dài làm suy giảm công suất của các tổ máy và tình trạng không đủ than để duy trì các tổ máy ở mức tải cao….

Thêm nữa, Công ty Nhiệt điện Mông Dương mới chính thức đi vào vận hành từ cuối năm 2016, nhân sự khi đó của Công ty phần lớn là những người trẻ, mới ra trường hoặc chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận hành nhà máy. Tổ Thị trường của Nhà máy cũng không ngoại lệ. Những kiến thức có được của đội ngũ cán bộ và chuyên viên trực tiếp tham gia thị trường điện của nhà máy chỉ là tự hệ thống pháp lý, các thông tư, quy định liên quan đến Thị trường và từ các khóa đào tọa của Tổng Công ty Phát điện 3 và của Cục Điều tiết Điện lực.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức như vậy. Khắc phục việc thiếu kinh nghiệm bằng sức trẻ, đội ngũ thị trường điện thực hiện tốt việc phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ công ty nắm rõ tình hình vận hành tổ máy, các công tác sửa chữa và tình hình tồn kho cũng như nhập nhiên liệu. Cùng với đó, đội ngũ thị trường điện cũng phải tìm hiểu về diễn biến thời tiết, tình hình thủy văn của khu vực. Kết hợp với nhu cầu phụ tải của hệ thống và tình hình lưới truyền tải điện để từ đó đưa ra được các phương án chào giá để đảm bảo vận hành tối ưu và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Với chiến lược trên, đã đem lại doanh thu bình quân cho Công ty Nhiệt điện Mông Dương từ 2016-2018 đạt trên 7.500 tỷ/năm, trong đó lợi nhuận thu được từ Thị trường điện bình quân mỗi năm là hơn 320 tỷ/năm.

(Theo số liệu báo cáo nội bộ Công ty NĐMD)

Bước sang năm 2019, năm được các chuyên gia dự báo sẽ là một năm không ít thách thức cho ngành điện do  do dự báo nguồn thủy điện không được dồi dào, nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện cũng đang gặp khó khăn.Thêm vào đó, năm 2019 cũng là năm Thị trường điện Việt Nam chính thức chuyển sang mô hình Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) từ mô hình Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM). Việc mở rộng cạnh tranh từ khâu phát điện sang khâu bán điện bằng việc mở rộng thành phần mua điện thêm 05 Tổng Công ty Điện lực. Vì vậy công việc của đội ngũ làm công tác thị trường điện của Công ty Nhiệt điện Mông Dương phải thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn trong công tác phối hợp đối soát các khoản doanh thu bán điện với bên mua điện cũng như các công tác liên quan khác để vận hành VWEM.

Với những gì đã và đang thực hiện, Công ty Nhiệt điện Mông Dương tự tin khẳng định vị thế của mình cũng như đảm bảo được việc vận hành VWEM đạt kết quả cao.

KHVT