Công ty Giám định than - TKV thực hiện lấy mẫu kiểm định chất lượng than qua hệ thống băng tải ống tại Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương. Ảnh: Việt Cường/Báo Quảng Ninh
Nhìn từ góc độ kinh tế tuần hoàn
Than là tài nguyên quốc gia, nhưng tro xỉ - một sản phẩm thu được từ quá trình đốt cháy than trong lò đốt, bao gồm tro bay, xỉ đáy lò và một số sản phẩm phụ khác như thạch cao – vẫn luôn được xem là “chất thải” và phải được “xử lý” như một nguy cơ môi trường.
Sự lo lắng không phải không có căn cứ khi trước đây những nhà máy lâu đời sử dụng công nghệ cũ đã từng để tro xỉ thoát ra theo đường khói và phân tán vào môi trường, gây ra những nguy cơ về sức khỏe. Đến nay, dù công nghệ thay đổi, tiêu chuẩn về môi trường được quy định chặt chẽ hơn và các báo cáo gửi về cơ quan quản lý cho thấy mức phát thải của phần lớn các nhà máy nhiệt điện đều nằm trong ngưỡng cho phép, tuy nhiên những mối lo đã cắm rễ từ lâu vẫn luôn hiện hữu.
Nhưng liệu chúng ta có đang để những lo ngại quá lớn cản trở các cơ hội kinh tế, sự tuần hoàn của môi trường và tính đổi mới sáng tạo? Ở rất nhiều nơi trên thế giới, tro xỉ có thể là nguyên liệu đầu vào rất tốt cho sản xuất các loại vật liệu xây dựng như: sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ, phụ gia cho sản xuất xi măng, vật liệu san lấp mặt bằng hay gia cố nền đường sau khi đã xử lý.
Tại Nhật Bản, gần 100% lượng tro xỉ thải ra từ nhiệt điện than được tái sử dụng. Con số này là 97% ở châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan. Ấn Độ là nước có công nghệ nhiệt điện và nguyên liệu than tương tự Việt Nam cách đây hai năm cũng đã tái sử dụng 70% lượng tro xỉ. Trong khi đó, tình hình nội địa mặc dù có khả quan hơn so với giai đoạn vài năm trước nhưng cũng chỉ đạt khoảng 20-30%.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính năm 2020, trung bình các nhà máy điện than đang vận hành tạo ra khoảng hơn 20 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và khối lượng có xu hướng ngày càng tăng trong những năm tới. Theo quy định, diện tích bãi chứa tro xỉ cho các nhà máy nhiệt điện chỉ có dung lượng chứa tối đa cho hai năm sản xuất, vì vậy nhiều bãi chứa đã gần đầy, gây ra nguy cơ phải ngừng sản xuất phát điện. Trong khi đó, nhu cầu vật liệu của ngành Xây dựng và Giao thông đến năm 2030 là cực kì lớn, tạo tiền đề cho việc tái sử dụng tro xỉ.
Chất lượng tro xỉ phụ thuộc vào công nghệ đốt than và chất lượng nguồn than. Các nhà máy điện than của Việt Nam đang áp dụng hai công nghệ: Công nghệ đốt than phun (PC) nhằm tận dụng nguồn than trong nước (than antraxit chất lượng cao) và than nhập khẩu (than bitum, á bitum); công nghệ đốt than tầng sôi tuần hoàn (CFB) sử dụng được nguồn than xấu trong nước (than antraxit phẩm cấp thấp, than nâu) và than nhập khẩu. Mỗi nhu cầu sử dụng tro xỉ khác nhau sẽ có tiêu chuẩn tương ứng. Theo tiêu chuẩn ASTM (Mỹ), hàm lượng carbon trong tro xỉ nếu dưới 6% hoàn toàn thể sử dụng làm vật liệu xây dựng, với điều kiện đã được xử lý loại bỏ các chất canxi, lưu huỳnh…
Các doanh nghiệp sử dụng tro, xỉ than, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Trên thực tế, nhiều nhà máy nhiệt điện đã bắt đầu tiêu thụ được loại sản phẩm dư thừa sau sản xuất này. EVN cho biết năm 2019, tổng khối lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn phát sinh khoảng 8,5 triệu tấn, trong đó đã tiêu thụ khoảng 5,6 triệu tấn, tức gần 66%. Đáng chú ý, nhiều đơn vị đang nỗ lực tận dụng tối đa tro xỉ phát sinh từ quá trình sản xuất hằng ngày như Phả Lại, Vĩnh tân 4, Duyên Hải 3, Mông dương 1, Uông Bí, Nghi Sơn 1, Hải Phòng... Khối lượng tro xỉ chưa tiêu thụ được thường là lượng tồn đọng từ trước trong các hồ chứa hoặc tro xỉ chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng.
Người dân chưa mặn mà
Nhận thức có tác động rất mạnh đến việc quản lý và sử dụng tro xỉ. TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR), chuyên gia độc lập về năng lượng và môi trường cho biết các quy định về quản lý tro xỉ đã có từ năm 2009 nhưng không nhiều người để ý đến. Từ năm 2014, dưới sự tài trợ của Quỹ phát triển Bắc Âu trong một dự án xây dựng tín chỉ carbon cho ngành xi măng Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước đã nhận ra rằng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện và lò luyện thép có tiềm năng rất lớn để thay thế đá vôi trong quá trình làm xi măng vốn đang bị khai thác mạnh ở nhiều tỉnh Ninh Bình, Hà Nam. Đây cũng là một trong những khuyến cáo đã được đưa vào lộ trình phát triển bền vững của ngành vật liệu xây dựng.
“Tuy nhiên đến năm 2016, một làn sóng truyền thông bất ngờ thổi bùng lên câu chuyện tro xỉ từ nhà máy điện than và nhà máy thép là chất thải độc hại mà chưa nhắc tới nỗ lực tái chế. Điều này đã gây tác động cực kì lớn đến việc tái sử dụng tro xỉ làm phụ gia thay thế cho đá vôi và sản xuất gạch không nung, thậm chí ảnh hưởng lớn đến một nỗ lực rất nhiều năm trong câu chuyện xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”, TS Sơn chia sẻ. Ông cho rằng việc hiểu đúng về bản chất của tro xỉ là cực kì quan trọng để giải quyết vấn đề môi trường và kinh tế.
Từ năm 2017, mặc dù Chính phủ đã ban hành “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”, tuy nhiên việc tái sử dụng tro xỉ vẫn còn trở ngại.
Một trong những nguyên nhân đến từ hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Trước kia, khi chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tro xỉ và vật liệu xây dựng từ tro xỉ, các nhà máy nhiệt điện không thể làm giấy chứng nhận hợp chuẩn hợp quy để chuyển giao tro xỉ đạt chuẩn ra tiêu thụ. Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành những tiêu chuẩn mới nhằm mở đường việc tái sử dụng tro xỉ, nhưng vẫn còn không ít nội dung đang được Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng.
Thêm vào đó, các thủ tục về cấp phép chuyên chở cũng khiến cho doanh nghiệp ám ảnh. Các kết quả kiểm nghiệm chỉ ra rằng phần lớn tro xỉ trong nước là chất thải rắn thông thường, không phải chất thải nguy hại. Chuyên gia ban môi trường của EVN cho biết mặc dù vận chuyển tro xỉ về cơ bản không khác gì vận chuyển đất đá, cát sỏi hay xi măng thông thường nhưng theo quy định, đơn vị vận chuyển phải có giấy phép đăng ký chức năng và làm các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những thứ đó là rào cản khiến tro xỉ không được sống đúng với bản chất của nó và không được đi đến những nơi có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Các cơ chế về chi phí và đấu thầu cũng khiến một số nhà máy thuộc sở hữu nhà nước gặp khó khăn khi tiêu thụ. Một số nhà máy phản ánh dù họ muốn “cho không biếu không” tro xỉ tồn đọng cũng không được. Giám đốc nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 cho biết họ đã tổ chức đấu giá và bán được 100% lượng xỉ đáy với giá 6000 đồng/tấn, tuy nhiên khi đấu giá tro bay thì không thành công vì mặc dù có một đơn vị ngỏ ý mua nhưng điều này vi phạm luật đấu thầu. Bởi vậy, họ phải chuyển sang đấu thầu vận chuyển tro bay ra ngoài để san lấp với chi phí 57,000 đồng/m3. Các nhà máy không được đưa những chi phí này vào giá thành điện, do vậy họ luôn gặp sức ép lớn trong việc xoay sở tìm đầu ra cho tro xỉ.
Thêm vào đó, đại đa số người dân và doanh nghiệp xây dựng hiện nay vẫn chưa mặn mà với các sản phẩm từ tro xỉ. Chẳng hạn, mặc dù tro bay từ dùng công nghệ CFB có hàm lượng carbon thấp nhưng lại có màu đỏ khiến các nhà máy xi măng hạn chế mua vì lo sợ sản phẩm làm ra không hợp thị hiếu người dùng. Sử dụng tro xỉ làm phụ gia xi măng cũng không đơn giản, bởi khi thêm tro xỉ vào sẽ khiến thời gian bê tông đạt chuẩn dài hơn, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình làm các nhà thầu không ưa thích. Ngay cả việc sử dụng tro xỉ để san lấp, hoàn nguyên mỏ cũng là những ý tưởng khả thi nhưng hiếm khi được các tỉnh đề xuất thực hiện.
Kinh nghiệm nhiều nước chỉ ra rằng, để khuyến khích việc sử dụng các vật liệu xây dựng từ tro xỉ, nhà nước cần có thêm những chính sách ưu đãi hoặc quy định bắt buộc tỷ lệ sử dụng phù hợp.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro, xỉ than từ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng
Cơ sở pháp lý cho các hoạt động tái sử dụng tro xỉ đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với những bộ ngành liên quan để xây dựng và ban hành thành tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm:
• Năm 2001 - TCVN 6882 : 2001 phụ gia khoáng cho xi măng, áp dụng cho tro bay và tro đáy;
• Năm 2006 - TCVN 7570 : 2006 cốt liệu cho bê tông và vữa, áp dụng cho tro đáy;
• Năm 2007 - TCVN 4315 : 2007 xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng;
• Năm 2011 - TCVN 6882 : 2001 phụ gia khoáng cho xi măng, áp dụng cho tro bay và tro đáy;
- TCVN 8825 : 2011 phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn, áp dụng cho tro bay, tro đáy;
• Năm 2014 - TCVN 10302 : 2014 phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng;
• Năm 2016 - TCVN 11586 : 2016 xỉ hạt lò cao nghiền mịn cho bê tông và vữa xây dựng;
• Năm 2017 - TCVN 11833 : 2017 thạch cao phospho làm phụ gia cho sản xuất xi măng;
• Năm 2018 - TCVN 12249 : 2018 tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp;
• Năm 2019 - TCVN 12660 : 2019 tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô;
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã ban hành ít nhất 22 quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và chỉ dẫn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (phụ gia xi măng; phụ gia bê tông và vữa; gạch bê tông) và sử dụng trong công trình xây dựng (vật liệu gia cố đất, san lấp, hoàn nguyên mỏ). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra hướng dẫn sử dụng tro bay trong công trình thủy lợi và đê điều. Đến nay, các cơ quan quản lý vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm những tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về tro xỉ.
|