Hoạt động của Thị trường điện của Công ty Nhiệt điện Mông Dương trong việc đảm bảo sản xuất điện

Thứ hai, 22/3/2021 | 12:55 GMT+7

Hoạt động của Thị Trường điện trong việc đảm bảo sản lượng điện

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Ðảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực phát triển ngành năng lượng nước nhà. Theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, mục tiêu dài hạn của ngành năng lượng là phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ngành điện trong những năm qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ,  đảm bảo phát triển theo định hướng chính sách chung, hướng tới mục tiêu chung của toàn ngành năng lượng. Bên cạnh mục tiêu đảm bảo an ninh cung cấp điện, cung cấp đủ điện cho các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội với chất lượng tốt, an toàn, tin cậy, ngành điện Việt Nam cũng hướng đến việc thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh hoàn toàn.

Phát triển thị trường điện tạo môi trường cạnh tranh một cách bình đẳng, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của ngành điện. Các mục đích của việc phát triển thị trường điện bao gồm: Ðảm bảo cung cấp điện ổn định; Thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực phát điện; Nâng cao tính cạnh tranh trong khâu phát điện, mua bán và truyền tải điện; Nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động phát điện, huy động nguồn điện và định giá phát điện.

Thị trường điện hoạt động dựa trên các nguyên tắc: Bảo đảm công khai, minh bạch bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực; Tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực; Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.

Thị trường phát điện cạnh tranh vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí. Các đơn vị phát điện được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường để bán điện cho đơn vị mua điện duy nhất (EVN). Việc điều độ các nhà máy điện hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống.

Theo đó, tất cả các nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30 MW bắt buộc phải tham gia thị trường. Các nhà máy điện này sẽ chào bán toàn bộ sản lượng điện năng khả phát của mình lên thị trường. Giá chào của các nhà máy điện được xác định trên cơ sở chi phí biến đổi của từng nhà máy (gồm chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành bảo dưỡng biến đổi, chi phí khởi động…). Ðơn vị mua buôn điện duy nhất (hiện là Công ty Mua bán điện thuộc EVN) sẽ mua toàn bộ điện năng đuợc chào bán trên thị trường và bán lại cho các Tổng công ty điện lực để cung cấp cho khách hàng sử dụng điện. Việc huy động các nhà máy điện sẽ căn cứ theo giá chào, sản luợng chào bán và nhu cầu phụ tải hệ thống điện từng giờ giao dịch, và được thực hiện tập trung bởi đơn vị vận hành hệ thống điện - thị trường điện (hiện là Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện Quốc gia thuộc EVN).

Giá điện năng thị trường được xác định theo nguyên tắc giá biên hệ thống, phụ thuộc vào mức độ cân bằng cung - cầu của thị trường trong từng giờ giao dịch. Mức giá điện năng thị trường là đồng nhất trên toàn quốc, và được áp dụng để thanh toán cho tất cả các nhà máy điện được huy động, căn cứ theo mức sản lượng đo đếm thực tế của nhà máy. Đơn vị phát điện nào chào giá nhất trên thị trường sẽ được huy động trước và tăng dần cho đến khi cân bằng được nhu cầu của thị trường. Các đơn vị phát điện chào với giá cao sẽ không được huy động.

Bên cạnh các giao dịch mua bán điện trên thị trường, các nhà máy điện cũng sẽ ký hợp đồng song phương với Công ty Mua bán điện. Hợp đồng song phương được xây dựng theo dạng Hợp đồng sai khác (CfD) với giá hợp đồng được 02 bên thỏa thuận theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành; Cơ chế trả phí công suất cũng được áp dụng nhằm đảm bảo nhà máy thu hồi đủ tổng chi phí. Còn sản lượng hợp đồng được tính bằng 80-90% sản lượng dự kiến cả năm của nhà máy điện. Mục đích của hợp đồng CfD là giúp cả bên bán và bên mua điện hạn chế các rủi ro về biến động giá thị truờng theo các giờ trong ngày. Nhìn chung, Thị trường phát điện cạnh tranh được thiết kế theo quan điểm nâng cao tính chủ động của các nhà máy điện trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; tạo cạnh tranh giữa các nhà máy điện để thúc đẩy việc tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất sản xuất điện.

Trong thời gian vừa qua, công tác vận hành thị trường điện đã đạt được các kết quả tích cực như:

-  Hệ thống điện đã được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội; không có sự cố có nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

- Việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện, mang lại hiệu quả rõ rệt cho các đơn vị tham gia.

- Thị trường điện được vận hành liên tục, không bị gián đoạn một giờ nào kể cả vào những thời điểm vận hành hệ thống điện khó khăn như sự cố rã lưới hệ thống điện miền Nam, hay ngừng sửa chữa nguồn khí Nam Côn Sơn (nguồn nhiên liệu chính của gần 5000 MW các nhà máy tuabin khí trong miền Nam).

- Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, quá trình vận hành Thị trường điện cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn; trong đó phần lớn liên quan đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và cơ cấu tổ chức ngành điện Việt Nam:

Một là, hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ vận hành hệ thống điện - thị trường điện còn nhiều hạn chế, như hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm... dẫn đến một số ảnh huởng nhất định đến công tác vận hành thị trường.

Hai là, các nhà máy thủy điện chiếm tỷ lệ lớn, trong khi các yếu tố đầu vào thủy văn thường bất định, khó dự báo, do vậy công tác lập kế hoạch vận hành thị truờng điện hàng năm, hàng tháng cũng ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp.

Ba là, việc nghẽn mạch đường dây truyền tải 500kV trong các chu kỳ cao điểm cũng tác động lớn đến kết quả vận hành thị trường. Ngay cả trong mùa mưa, dù công suất sẵn sàng của các nhà máy thủy điện miền Bắc tương đối cao nhưng không thể truyền tải hết vào miền Nam do năng lực truyền tải của hệ thống đường dây 500kV có hạn.

Ngoài ra việc phát triển nhanh hệ thống điện mặt trời trong thời gian vừa qua đã chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành điện gây khó khăn cho việc điều tiết, điều tần hệ thống điện do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như nắng, gió, …

Bên cạnh các vấn đề nội tại của ngành điện, thị trường điện cũng chịu thách thức lớn từ các nhân tố bên ngoài, trong đó nhân tố đặc biệt quan trọng là vấn đề cung ứng nhiên liệu sơ cấp (than) cho phát điện: việc tăng giá nhiên liệu đầu vào gây áp lực tăng giá thị trường điện.

Để bảo đảm duy trì ổn định hệ thống, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt:

- Yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thực hiện huy động tối ưu các nguồn điện, nhất là trong mùa khô 2021 để giảm chi phí mua điện trên toàn hệ thống và trên thị trường; liên tục cập nhật tình hình thủy văn, phụ tải, nhiên liệu... để tính toán kế hoạch huy động nguồn. `

- Các đơn vị phát điện bảo đảm đủ nhiên liệu, độ khả dụng, vận hành an toàn các tổ máy theo yêu cầu điều độ, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng. Phối hợp cùng EVN nghiên cứu ảnh hưởng của giá than thế giới, tình hình dịch bệnh đối với nền kinh tế, đề xuất phương án làm việc với các đối tác cung cấp nhiên liệu than về giảm giá bán cho các nhà máy điện. Các đơn vị phải rà soát kế hoạch sửa chữa, ưu tiên các hạng mục cần thiết. Tiết kiệm chi phí, phấn đấu vượt kế hoạch lợi nhuận đăng ký.

- Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) phải bám sát địa phương trong việc giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm theo kế hoạch, vận hành an toàn lưới điện truyền tải; làm việc với các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất các khoản vay cho các dự án điện; tạm giao chi phí sửa chữa lớn năm 2021 bằng 80% so kế hoạch năm.

- Các Tổng công ty Điện lực cần tiếp tục xây dựng các phương án giảm tổn thất điện năng, liên tục rà soát bảo đảm đầu tư có hiệu quả. Không thực hiện mua sắm, trang bị mới đối với các hạng mục chưa cấp bách. Chưa triển khai thay thế lắp đặt đồng hồ đo điện điện tử, tiếp tục sử dụng đồng hồ đo điện cơ trong năm 2021 và chỉ lắp đặt đồng hồ đo điện điện tử đối với khách hàng phát triển mới theo đúng đối tượng nếu thấy cần thiết.

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời chuyển sang trạng thái bình thường mới, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã và đang tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: thực hiện tốt phòng, chống dịch và duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước những áp lực về việc tăng cường năng lực phát điện trong thị trường điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vận hành an toàn, đảm bảo sản lượng được giao, trong đó có chú trọng đến giải pháp nâng cao hoạt động của công tác thị trường điện.

Căn cứ sản lượng kế hoạch hàng tháng và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật Tổng công ty đã giao, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã tiến hành thực hiện các công việc như:

            + Xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất theo Ngày/tuần/tháng phù hợp với nhiệm vụ kế hoạch được giao.

            + Chủ động và thường xuyên bám sát tình hình nhu cầu phụ tải của Hệ thống điện, phương thức huy động của Điều độ Hệ thống điện, từ đó có kế hoạch tăng giảm công suất tương ứng

            + Xây dựng phương án chào giá cụ thể chi tiết theo các thông số đầu vào được cập nhật thường xuyên trên hệ thống cũng như bám sát, nắm chắc lịch hoạt động của các đơn vị phát điện có cùng gam công suất trên thị trường từ đó đưa ra được phương án chào giá tối ưu và thống nhất phương án chào giá với các Ban của Tổng công ty Phát điện 3 để tổ chức điều hành sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

            Đội ngũ thực hiện công tác thị trường điện của công ty cũng thường xuyên được cập nhật các kiến thức mới, quy định mới của nhà nước về công tác thị trường điện.

            Việc trang bị các phương tiện máy móc, các phần mềm để phục vụ cho công tác thị trường điện như phần mềm chào giá, thanh toán, DIM,.. cũng luôn được chú trọng.

            Ngoài ra, Công ty nhiệt điện Mông Dương cũng đã phối hợp với Công ty EPS thường xuyên tiến hành kiểm tra tình hình vận hành của các thiết bị, tập trung nghiên cứu để có phương án kỹ thuật phù hợp, rút ngắn tối đa thời gian sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, đặc biệt là công tác sửa chữa lò hơi, đảm bảo vận hành tin cậy và không để xảy ra tình trạng hư hỏng lặp lại sau sửa chữa.

            Từ những quan tâm đầu tư đúng hướng của công ty trong công tác thị trường điện và trong thời gian vừa qua việc hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn đạt hiệu quả cao, hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Tổng Công ty Phát điện 3 giao.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                             Mai Hương-KHVT

KHVT