Trước hết chúng ta cần hiểu: Văn hóa doanh nghiệp là gì? Văn hoá doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu của sự phát triển thương hiệu vì hình ảnh văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Cấp dễ thấy nhất thể hiện ngay trong công việc hàng ngày nhưng cách báo cáo công việc, giữ gìn tài sản chung, ngôn ngữ khi giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, các thủ tục hành chính… Cấp thứ hai là các giá trị tinh thần xác định việc phải làm, hành động của mình đúng hay sai, có mang lại lợi ích hay thiệt hại chung hay không. Đây là điều Lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn nhận được ở nhân viên và phải xây dựng dần từng bước. Cấp thứ ba là nền tảng cho các hành động chính là niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và xúc cảm được coi là đương nhiên ăn sâu trong tiềm thức mỗi cá nhân trong doanh nghiệp. Có thể nói Văn hoá doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.
Nói đến văn hóa ứng xử nơi công sở, phải nói đến mối quan hệ ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các đồng nghiệp trong Công ty với nhau. Công ty muốn phát triển bền vững phải gắn liền với việc xây dựng, củng cố các mối quan hệ trong nội bộ.
Để nâng cao văn hóa ứng xử nơi công sở, chúng ta cần thực hiện tốt một số quy tắc sau:
Tạo dựng mối quan hệ với đồng nghiệp.
Chỉ bằng những câu nói, cử chỉ mang tính chất xã giao không thể tạo dựng được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp mà phải dựa trên nền tảng luôn tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau.
Để tạo hiệu quả công việc cao nhất cần sự phối hợp ăn ý giữa các đồng nghiệp cùng phòng, phân xưởng với nhau và giữa đồng nghiệp phòng, phân xưởng này với đồng nghiệp phòng, phân xưởng khác. Chỉ khi mọi người có mục tiêu chung, có thái độ cởi mở, chia sẻ thông tin cho nhau, thẳng thắn góp ý và tiếp nhận ý kiến phản hồi của nhau, Công ty mới xây dựng được các mối quan hệ tin cậy trong nội bộ.
Khi được giao cùng đồng nghiệp giải quyết một công việc thì phải chủ động phối hợp, hỗ trợ đồng nghiệp để cùng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Luôn tôn trọng tất cả ý kiến của mọi thành viên, dù là lời khen hay chê trách, cá nhân mỗi CBCNV nên tôn trọng lắng nghe để rút kinh nghiệm cho bản thân. Tôn trọng công việc được thể hiện ở mọi khía cạnh: tôn trọng giờ giấc làm việc, không lãng phí thời gian làm việc tại công ty vào những việc riêng cá nhân, hay thực hiện đúng những quy định làm việc của công ty.
Luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Mỗi cá nhân CBCNV phải luôn giữ tinh thần cầu tiến, luôn có trách nhiệm với công việc của bản thân để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất. Nên mạnh dạn thử sức với những công việc mới, thách thức để chứng tỏ khả năng của mình với Lãnh đạo Công ty/Phòng/Phân xưởng. Khi hoàn thành xuất sắc công việc hơn cả mong đợi, tự khắc giá trị của bản thân bạn sẽ được nâng lên đáng kể.
Khi thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc, phải phối hợp với cá nhân bộ phận liên quan khác để hoàn thành công việc có hiệu quả, không được cố tình kéo dài thời gian hoặc từ chối sự phối hợp của những Công ty, đơn vị, cá nhân liên quan.
Công ty như một cộng đồng thu nhỏ mà mỗi nhân viên là một mắt xích quan trọng trong đó. Nếu mỗi mắt xích hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nghĩa là guồng máy hoạt động trong Công ty sẽ đạt hiệu suất đáng kể. Vì vậy, hãy luôn hoàn thành công việc của mình với một tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Luôn là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho Lãnh đạo Công ty/Phòng/Phân xưởng.
Trong phạm vi chuyên môn của mình, mỗi CBCNV phải luôn hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo cũng như các đồng nghiệp. Hãy luôn làm việc và đóng góp tích cực bởi Lãnh đạo Công ty/Phòng/Phân xưởng luôn luôn đánh giá CBCNV thông qua năng lực làm việc qua cách ứng xử của CBCNV trong công việc.
Tạo niềm tin nơi Lãnh đạo.
Tạo dựng được niềm tin nơi lãnh đạo cũng là một cách hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo và đồng nghiệp trong công việc. Luôn giữ lời hứa và cam kết, giữ tính chính trực, thẳng thắn và thành khẩn nhận lỗi, truyền đạt thông tin đúng là những điều mỗi CBCNV nên làm để tạo được dựng được niềm tin ở Lãnh đạo.