Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp các lĩnh vực trong đời sống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ chương, thực hiện triển khai chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Mục tiêu EVN đặt ra là tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo.
Bắt tay vào triển khai lộ trình Chuyển đổi số, Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành và đẩy mạnh áp dụng các công kỹ thuật số vào sản xuất kinh doanh. Một trong số đó là việc ứng dụng hệ thống giám sát và chuẩn đoán từ xa RMS trong công tác giám sát, vận hành, nâng cao độ tin cậy của Nhà máy.
Hệ thống giám sát và chuẩn đoán từ xa RMS hoạt động dựa trên nền tảng kiến trúc của Hệ thống Pi do hãng OSIsoft phát triển, hiện đang được áp dụng cho tất cả các nhà máy điện trực thuộc Tổng Công ty.
“Giám sát” của hệ thống Pi là việc thu thập toàn bộ dữ liệu liên quan đến vận hành nhà máy. Điểm nổi trội của hệ thống Pi so với các hệ thống thu thập dữ liệu khác chính là việc tối ưu khả năng lưu trữ dữ liệu. Điều này được thực hiện thông qua các thuật toán Exception và Compression trước khi dữ liệu được lưu trữ trong bộ nhớ, giúp tiết kiệm dung lượng và tối ưu hóa tốc độ xử lý. Ngoài ra, hệ thống Pi còn trang bị các công cụ khác như Pi Vision hỗ trợ đắc lực cho người dùng về công tác giám sát thiết bị thông qua nền tảng Web, Pi Datalink cho công tác báo cáo dữ liệu trên Excel..
“Chuẩn đoán” của hệ thống Pi là việc đưa ra được các dự đoán về xu hướng của các dữ liệu hệ thống trong tương lai. Điều này được thực hiện thông qua việc sử dụng AI, Data Science để mô hình hóa các đối tượng, hệ thống trong nhà máy từ các dữ liệu thu thập được, từ đó có thể phân tích và dự đoán được chiều hướng của dữ liệu trong một vài ngày tiếp theo.
Hiện tại, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương đang trong giai đoạn 1 quá trình kết nối cơ sở hạ tầng truyền dữ liệu về hệ thống RMS của Tổng Công ty.
Với những ưu điểm kể trên, hệ thống RMS chắc chắn sẽ trở thành một công cụ đắc lực góp phần nâng cao khả năng giám sát, vận hành các thiết bị, hệ thống dây chuyền sản xuất của Nhà máy.
Hi vọng trong tương lai gần, Công ty Nhiệt điện Mông Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại công nghiệp 4.0.
Phòng Kỹ thuật