Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã chọn chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam” với mục tiêu tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, kinh doanh (SXKD). Qua đó, tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng; phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (DN) số.
Vì mục tiêu chung của tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã và đang ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các lĩnh vực hoạt động và xây dựng lưới điện thông minh (Smart grid) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tối ưu hóa lưới điện.
Lưới điện thông minh (còn gọi là mạng thông minh) là dạng lưới điện mà mục tiêu đặt ra là tiên đoán và phản ứng một cách thông minh với cách ứng xử và hành động của tất cả các đơn vị được kết nối điện với lưới điện, bao gồm các đơn vị cung cấp điện, các hộ tiêu thụ điện và các đơn vị đồng thời cung cấp và tiêu thụ điện, nhằm cung cấp một cách hiệu quả các dịch vụ điện tin cậy, kinh tế và bền vững.
Hiện nay lưới điện không còn theo kịp với các thách thức thời hiện đại, cụ thể như: đe dọa về an ninh, từ phía người cung cấp năng lượng hoặc do tấn công mạng; Việc gia tăng sử dụng những thiết bị gần như cùng một lúc mà không có sự điều phối của lưới điện thông minh, sẽ dẫn đến các vấn đề về độ tin cậy cung cấp điện, giảm chất lượng điện, mất điện, và cắt điện luân phiên.
Để đạt mục tiêu bảo toàn, cần giảm phụ tải đỉnh ban ngày, giảm tổn thất năng lượng, đảm bảo mức dự phòng nguồn hợp lý đòi hỏi phải có một hệ thống điều khiển bằng số để có thể thay đổi bản chất của phụ tải điện, cho phép công ty điện tắt thiết bị điện trong các hộ dân nếu họ thấy phù hợp.
Phát triển lưới điện thông minh sẽ giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm thiểu chi phí thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý thông thông tin… Chi phí nhân công, vận hành cũng được giảm thiểu tối đa nhờ ứng dụng công tơ điện tử/công tơ thông minh và các công nghệ cho phép thu thập số liệu, giám sát, điều khiển các thiết bị trên lưới điện từ xa thông qua mạng viễn thông (RF, di động…).
Việc triển khai phát triển lưới điện thông minh cho thấy bước chuyển mình nhanh chóng trong cách tiếp cận công tác quản lý, vận hành hệ thống điện từ việc chuyển đổi mô hình thủ công sang bán tự động và tự động, góp phần nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của khách hàng, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số, từng bước xây dựng hệ thống điện thông minh, thuận tiện cho việc phát triển các ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số, góp phần nâng cao sự hài lòng cho khách hàng cũng như uy tín ngành Điện.