Năm 2021, những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020. Quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp, mô hình quản lý truyền thống sang doanh nghiệp số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cộng đồng Doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành Doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất-kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất-kinh doanh theo mô hình kinh tế số. Theo đánh giá của Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT): Trên 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình. 3 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ; thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm... Chuyển đổi số giúp các công ty có thể ứng phó và tiếp tục phát triển lành mạnh dưới sự tác động của đại dịch.
Chuyển đổi số thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, hỗ trợ vận hành sản xuất và canh tác bền vững, đem đến một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số, do đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...